Đại học Bách khoa Hà Nội

https://www.hust.edu.vn


Bách khoa Hà Nội nghiên cứu chuỗi giá trị protein có nguồn gốc thực vật

Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chiều qua tổ chức hội thảo khoa học khởi động dự án “Mạng lưới đa ngành đánh giá và tăng cơ hội cho chuỗi giá trị protein có nguồn gốc thực vật bằng cách nâng cao giá trị phụ phẩm thực phẩm và an toàn thực phẩm” qua hình thức trực tuyến. 

 

Mạng lưới được hình thành trên cơ sở mạng lưới của 2 dự án do Cộng đồng châu Âu tài trợ: Dự án GRATITUDE và Dự án NutriSEA. Dự án được tài trợ bởi Global Challenges Research Fund (UK) nhằm phát triển hợp tác liên ngành giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, cùng với các chuyên gia đến từ các quốc gia trong khu vực và các doanh nghiệp hàng đầu trong chế biến nông sản thực phẩm. 

 

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ trang bị kiến thức cho sinh viên mà còn đào tạo những công dân tốt, đóng góp và cống hiến cho xã hội. Là một phần của mạng lưới đa ngành, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam - một trong những đất nước mạnh về nông nghiệp.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nêu rõ thực trạng hiện tại: “Hiện nay, bùng nổ dân số tạo ra những hậu quả trực tiếp đối với nhu cầu lương thực. Con người cần phải tìm kiếm các nguồn protein bền vững và an toàn với sức khỏe.

 

Ở các nước Đông Nam Á, gạo và ngô là nguồn cung cấp calo và protein chính. Tuy nhiên, đó cũng là những thành tố đưa Asen và các chất gây ô nhiễm khác vào cơ thể con người.”

 

Hội thảo khoa học khởi động dự án “Mạng lưới đa ngành đánh giá và tăng cơ hội cho chuỗi giá trị protein có nguồn gốc thực vật bằng cách nâng cao giá trị phụ phẩm thực phẩm và an toàn thực phẩm” được tổ chức online.

 

Mục tiêu chính của dự án là xác định các khía cạnh dễ bị tổn thất nhất của chuỗi giá trị lúa và ngô và do đó có cơ hội định giá cao nhất; định lượng các loại Asen trong đất, lúa, ngô và các sản phẩm phụ trong hệ thống nông sản Việt Nam; xây dựng chiến lược khử nhiễm để ngăn chặn sự hấp thụ Asen và các nguyên liệu vi lượng; và xác định các đối tác trong chuỗi giá trị có khả năng sản xuất protein sạch từ gạo và ngô, đáp ứng việc phát triển bền vững, nguồn lợi kinh tế và giảm các nguy cơ gây hại đến sức khỏe.

 

Dự án mạng lưới đa ngành này mang lại nhiều lợi ích đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á như tạo ra chuỗi giá trị mới bằng cách tạo ra protein thực vật từ phụ phẩm thực phẩm với tiềm năng tăng trưởng thị trường cao; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, cải thiện tính an toàn cho nông sản thực phẩm bằng cách giảm sự ô nhiễm kim loại vi lượng; và giảm thiểu các nguy cơ (nhiễm độc Asen) đối với sức khỏe người dân.

 

 

Trong buổi hội thảo, đại diện các đối tác tham gia đã giới thiệu về năng lực của tổ chức mình, đồng thời nêu lên những mối quan tâm cũng như mong đợi khi tham gia mạng lưới đa ngành này. Tất cả các bên tham gia đều mong muốn các thông tin cũng như nghiên cứu được chia sẻ và đều hướng đến mục tiêu chung nhằm phát triển sản phẩm an toàn hơn, bền vững hơn từ nguồn lợi nông nghiệp sẵn có của Đông Nam Á.

 

Dự án dự kiến sẽ tổ chức 1 workshop kết nối “Triển vọng tương lai của protein từ thực vật” trao đổi và kết nối hợp tác về triển vọng và tương lai của protein từ thực vật ở Châu Âu và Đông Nam Á với đối tượng tham gia là các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học và doanh nghiệp.

 

Để biết thêm chi tiết, vui lòng truy cập Website chính thức của mạng lưới: https://sbft.hust.edu.vn/gcrf2021/

 
Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là đơn vị nghiên cứu phát triển giải pháp kỹ thuật và công nghệ có năng lực và hợp tác, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thực tế phát triển và sản xuất. Viện còn là địa chỉ đào tạo tin cậy, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm trong nước và trong khu vực.

 

Trần Trang

 
 

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây