Thư ngỏ của Hiệu trưởng về triển khai đề án tự chủ

Thứ hai - 31/10/2016 23:51

Kính gửi: Các giảng viên, cán bộ và sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Tự chủ đại học là xu thế tất yếu của hệ thống giáo dục đại học thế giới nói chung và của hệ thống giáo dục đại học trong nước nói riêng. Đường lối, chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo gắn liền với mở rộng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đại học đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng và văn bản pháp luật của Nhà nước.

Đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trong tháng 10 vừa qua, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội của chúng ta được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện trong các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Đây là một sự kiện trọng đại, mở ra một giai đoạn mới của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong chiến lược phát triển thành một đại học nghiên cứu với mô hình quản trị tiên tiến, đội ngũ cán bộ giỏi và tâm huyết, hệ thống tài chính vững mạnh, chất lượng đào tạo và nghiên cứu đạt chuẩn mực của khu vực và thế giới. Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã giao nhiệm vụ cho tập thể cán bộ và sinh viên Nhà trường: “Triển khai tốt đề án thí điểm đổi mới quản lý theo cơ chế tự chủ, đổi mới mô hình quản trị theo mô hình các trường đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới”.

Trên cơ sở những kinh nghiệm và kết quả triển khai thí điểm một số nội dung tự chủ từ năm 2011, nay với đề án thí điểm tự chủ toàn diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có thêm nhiều thuận lợi và cơ hội phát triển. Nhà trường được tự quyết định nhiều hoạt động, có cơ chế để huy động tốt hơn các nguồn lực từ bên ngoài, đồng thời có điều kiện để đổi mới mạnh mẽ mô hình quản trị, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý và điều hành các cấp, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo và nghiên cứu. Với vai trò là một trường đại học trọng điểm quốc gia và luôn đi đầu trong đổi mới, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội coi việc triển khai cơ chế tự chủ toàn diện còn thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Thực hiện cơ chế tự chủ, Trường cam kết thực hiện trách nhiệm giải trình, cam kết nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ với người học và xã hội. Khi Nhà nước không tiếp tục bao cấp kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, Nhà trường phải xây dựng một lộ trình tăng học phí hợp lý, đồng thời cam kết sử dụng toàn bộ phần kinh phí gia tăng hằng năm để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Cùng với các hoạt động đó, Nhà trường tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm học phí, đổi mới chính sách cấp học bổng và gia tăng quỹ hỗ trợ người học để bảo đảm cho sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không giảm đi cơ hội học tập, nghiên cứu tại Trường.

Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, trong giai đoạn đầu triển khai đề án chúng ta sẽ đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Mặc dù, Nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ trao quyền tự chủ toàn diện, trong quá trình thực thi chắc chắn vẫn còn gặp những rào cản pháp lý từ các văn bản quy định của pháp luật. Quá trình đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động trong Trường đòi hỏi sự thay đổi nhận thức sâu sắc và sự chia sẻ trong toàn thể cán bộ và sinh viên.

Phát huy truyền thống 60 năm của một tập thể Anh hùng, tôi tin tưởng chúng ta sẽ đoàn kết góp sức, cùng vượt qua mọi khó khăn và thử thách, triển khai thành công đề án thí điểm tự chủ toàn diện, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế trường đại học trọng điểm về khoa học - công nghệ của quốc gia, phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Trân trọng.

HIỆU TRƯỞNG

PGS.TS Hoàng Minh Sơn

Quyết định số 1924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 6/10/2016 về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐHBK Hà Nội xem TẠI ĐÂY.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây