Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi kinh doanh và Kinh tế tuần hoàn”

Chủ nhật - 07/11/2021 16:34

Hội thảo đã thu hút được trên 140 bài nghiên cứu của rất nhiều các nhà nghiên cứu, học giả đến từ trường đại học và viện nghiên cứu từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày 05 và 06/11/2021, Hội thảo quốc tế lần thứ 9 với chủ đề “Chuyển đổi kinh doanh và Kinh tế tuần hoàn” (Business Transformation and Circular Economy – 9th ICECH 2021) đã chính thức diễn ra tại Hà Nội.

Mục đích của hội thảo là tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và tăng cường công bố những công trình nghiên cứu khoa học, cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế tuần hoàn và các yêu cầu chuyển đổi trong các hoạt động kinh doanh.

Hội thảo đã thu hút được trên 140 bài nghiên cứu của rất nhiều các nhà nghiên cứu, học giả đến từ trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước, cũng như từ các quốc gia khác trên thế giới như New Zealand, Vương quốc Anh, Úc, Đức, Indonessia, Malaysia, Đan Mạch, Pháp, Bỉ…

PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng, phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: CCPR-Duy Thành

Nội dung các bài nghiên cứu xoay quanh các chủ đề đương đại trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh như: chuyển đổi kinh doanh, sản xuất và tiêu thụ xanh và thích nghi với những thay đổi trong môi trường kinh doanh mới.

Trong giai đoạn gần đây, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn đang dần trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu bởi cả các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu.

Kinh tế tuần hoàn nổi lên như một giải pháp cho các vấn đề trên. Với trọng tâm là tận dụng lại hoặc tái sử dụng các tài nguyên tự nhiên, biến các dòng phế liệu thành đầu vào để tiếp tục sản xuất, kinh tế tuần hoàn sẽ làm giảm bớt hoặc, có thể, đảo ngược sự gia tăng sử dụng tài nguyên của các nước đang phát triển, do đó làm giảm sự cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu và ô nhiễm các khu vực tự nhiên.

Theo Quỹ Ellen MacArthur, đến năm 2025, khoảng 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu có thể được tạo ra từ các mô hình kinh doanh tuần hoàn.

Nền kinh tế của các quốc gia, các doanh nghiệp và người lao động đều sẽ được hưởng lợi, khi họ hình thành các doanh nghiệp mới và tạo ra việc làm mới để lấp đầy các ngóc ngách do nền kinh tế tuần hoàn tạo ra, thông qua việc thu hồi và tái sản xuất tài nguyên.

Buổi hội thảo “Chuyển đổi kinh doanh và Kinh tế tuần hoàn” do nhiều bên phối hợp tổ chức. Ảnh: CCPR-Duy Thành

Buổi hội thảo được Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách Khoa Hà Nội) phối hợp cùng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế quốc dân), Trường đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Ngoại thương, Tổ chức AVSE Global (Pháp), Đại học Hertfordshire (Vương quốc Anh) và Trường Kinh doanh PPM (Indonesia) phối hợp tổ chức.

Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả là những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới về các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh, bao gồm: GS. Mickey Howard, Giáo sư về Quản lý Chuỗi cung ứng, Trường Kinh doanh, Đại học Exeter, Vương quốc Anh, GS. Cameron Truong, Khoa Kế toán, Trường Kinh doanh, Đại học Monash, Úc, GS. Utz Dornberger, Trung tâm Năng lực SEPT Quốc tế, Đại học Leipzig, Đức.

Trong số các bài báo gửi về tham gia hội thảo, Ban tổ chức và Hội đồng khoa học của Hội thảo đã chọn đăng và giới thiệu gần 120 bài nghiên cứu trên kỷ yếu Hội thảo được xuất bản bởi Nhà xuất bản Bách Khoa và Nhà xuất bản Atlantis (trong danh sách CPCI (WoS), Compendex, CNKI, Google Scholar và WangFang).

Bên cạnh việc tham dự hội thảo và thảo luận về các nghiên cứu đương đại, các bài nghiên cứu tham dự ICECH 2021 với chất lượng tốt còn có cơ hội được chọn đăng tại 3 tạp chí Scopus (International Journal on Emerging Markets, International Journal on Entrepreneurship and Innovation và International Journal of Financial Studies), Journal of Management and Business Review (JMBR), và các tạp chí khoa học có uy tín trong nước như Tạp chí Khoa học: Kinh tế và Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), Tạp chí Khoa học Kinh tế (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (JABES), Tạp chí Phát triển Kinh tế Xã hội Việt Nam và Journal of International Economics and Management (JIEM).

Viện Kinh tế và Quản lý

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây