Cách mạng công nghiệp 4.0: Những xu hướng và chiến lược phát triển hiện nay

Thứ năm - 23/11/2017 22:00

Trong hai ngày 23-24/11/2017, Trường ĐHBK Hà Nội phối hợp với Cơ quan trao đổi hàn lâm CHLB Đức (DAAD) và Mạng lưới hợp tác các trường ĐH Châu Âu – Đông Nam Á (ASEA-UNINET) tổ chức Hội thảo cách mạng công nghiệp 4.0: Những xu hướng và chiến lược phát triển hiện nay. Hội thảo thu hút 120 đại biểu tham dự để cùng thảo luận, phân tích cơ hội và thách thức mà nền công nghiệp 4.0 đặt ra cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ; từ đó tập trung tìm ra các giải pháp cho lĩnh vực đào tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Khái niệm Công nghiệp 4.0 hay nhà máy thông minh lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover tại CHLB Đức vào năm 2011. Công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, bao gồm các hệ thống không thực-ảo, internet vạn vật và điện toán đám mây, điện toán nhận thức.
 

PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã làm nổi bật các khía cạnh khác nhau của nền công nghiệp 4.0 như: an toàn, bảo mật, độ tin cậy, hệ thống mạng cũng như quy trình kỹ thuật, đặc biệt chú trọng đến mối liên kết quan trọng giữa công nghệ thông tin và sản xuất. Các nhà khoa học đã cùng trao đổi, thảo luận xung quanh các chủ để như: Tổng quan về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các khái niệm cơ bản; Xu hướng kết nối IoT trong công nghiệp 4.0; Thách thức và giải pháp cho các kỹ thuật dựa trên mô hình trong công nghiệp 4.0; Nhà máy kỹ thuật số - Nguồn năng lực cạnh tranh; IoT cho một nhà máy thông minh hơn - Một phương pháp thực tiễn hướng tới ngành công nghiệp 4.0; Công nghiệp 4.0 - thách thức và cơ hội cho các trường đại học Việt Nam, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp; Giáo dục kỹ thuật cho kỷ nguyên công nghiệp lần thứ 4…

Phát biểu tại Hội thảo, PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động tới tất cả các quốc gia, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và con người. Vì vậy, Hội thảo này được tổ chức nhằm tăng cường sự kết nối giữa các trường đại học và doanh nghiệp cũng như các trường đại học quốc tế để có những ứng dụng hiệu quả cho sự phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Đồng thời, PGS Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh: “Là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, ĐHBK Hà Nội có những mối quan tâm lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp. Tôi hy vọng, Hội thảo này sẽ mang lại cho tất cả các đại biểu một nền tảng về cuộc cách mạng 4.0, cùng nhau thảo luận, trao đổi khoa học và tạo ra một mạng lưới các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tìm giải pháp hiệu quả cho ngành công nghiệp 4.0”.

GS Reiner Anderl - Trường ĐH Công nghệ Darmstadt (CHLB Đức) báo cáo tại Hội thảo

Các đại biểu tham gia Hội thảo đều nhận định rằng, cần có một cái nhìn đầy đủ, đa chiều hơn và phải có một chiến lược tiếp cận hợp lý để có thể nắm bắt cơ hội cải thiện vị thế của cá nhân, tổ chức và quốc gia để không bị tụt hậu trong cuộc cách mạng này.

GS Reiner Anderl - Trường ĐH Công nghệ Darmstadt (CHLB Đức) cho rằng, cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam có những thách thức và cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0. Do vậy, để phát huy tốt nhất các cơ hội, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của cách mạng 4.0, cần có một chiến lược phát triển hợp lý. 

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều ngành nghề sẽ biến mất nhưng lại có những công việc mới ra đời. Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Do đó, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện nay trở nên vô cùng cấp bách. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là việc làm cấp bách của mỗi cơ sở đào tạo. Ngoài ra, một giải pháp khác cũng được các đại biểu đề cập đến là việc tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vũ Thơm

Ảnh: Mạnh Tuấn

Tác giả: Trần Ngọc Nam

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây