Trường ĐHBK Hà Nội tiếp nhận phần mềm giảng dạy thiết kế tàu thủy

Thứ năm - 17/11/2016 04:07

Sáng 17/11/2016, Trường ĐHBK Hà Nội, Tập đoàn AVEVA (Vương quốc Anh) và Hội Khoa học Kỹ thuật Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VISIA) đã ký thỏa thuận bàn giao phần mềm thiết kế tàu thủy để đưa vào giảng dạy cho Viện Cơ khí Động lực – ĐHBK Hà Nội.

Chứng kiến Lễ bàn giao tài trợ  có GS. VS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam; TS  Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Hội VISIA; ông David Toh – Giám đốc Marketing Tập đoàn AVEVA khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội; PGS Lê Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực (đơn vị tiếp nhận tài trợ) cùng đông đảo cán bộ, giảng viên của các đơn vị tham gia lễ bàn giao.

Nhằm mục tiêu đưa ngành tàu thủy Việt Nam ngày càng bắt kịp với sự phát triển của khu vực và thế giới. Hội VISIA và Tập đoàn AVEVA đã chuyển giao phần mềm thiết kế tàu thủy vào giảng dạy cho Trường ĐHBK Hà Nội. Việc này không chỉ tạo điều kiện tiếp cận và triển khai ứng dụng phần mềm tự động hóa thiết kế vào ngành công nghiệp tàu thủy mà còn thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các ngành công nghiệp nặng khác trong nước một cách hiệu quả.
 

Các đại biểu tham dự Lễ bàn giao tài trợ

Tại Lễ bàn giao tài trợ, đại diện Tập đoàn AVEVA đã giới thiệu phần mềm thiết kế tàu thủy. Theo đó, đây là phần mềm chuyên dụng dùng trong thiết kế tàu thủy hiện đại có khả năng đồng bộ hóa dữ liệu từ thiết kế ban đầu, thiết kế kỹ thuật đến thiết kế công nghệ thi công trên cả công nghệ 2D và 3D. Phần mềm này có thể liên kết với hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của hãng AVEVA phục vụ công tác thiết kế, thi công và quản lý vật tư, thiết bị chuyên ngành của quốc tế. Tất cả quy trình trong quản lý sản xuất, điều hành đều được tích hợp và chạy trên cùng một nền tảng cơ sở dữ liệu chung, thuận tiện cho việc sử dụng, vận hành và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá sự hợp tác này, PGS Lê Anh Tuấn cho biết: “Phần mềm thiết kế tàu thủy sẽ giúp sinh viên nâng cao kỹ năng đạt tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu của các ngành dầu khí, hóa dầu, điện và các ngành công nghiệp hàng hải. Sinh viên sẽ có quyền truy cập tiếp thu kinh nghiệm đào tạo quốc tế với phần mềm kỹ thuật hàng đầu của AVEVA”.

 “Để tiếp cận và từng bước triển khai phần mềm tự động hóa vào các ngành công nghiệp nặng trong nước một cách hiệu quả, sự phối hợp giữa VISIA, các tổ chức giáo dục đào tạo và doanh nghiệp sẽ tạo ra mối quan hệ lâu dài từ giáo dục trong trường đại học đến ứng dụng thành công trong thực tiễn”- TS Nguyễn Ngọc Sự nhấn mạnh.


Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi

Tác giả: TT TT & QHCC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây