Gần 500 nhà khoa học quốc tế bàn về nghiên cứu tinh thể học

Thứ ba - 06/12/2016 22:10

Trong 04 ngày từ 4 đến 7/12/2016, 500 nhà khoa học từ Châu Á và Việt Nam đã cùng bàn về nghiên cứu trong lĩnh vực tinh thể học tại Hội nghị Tinh thể học Châu Á (The 14th Conference of the Asian Crystallographic Association – AsCA 2016), diễn ra tại Trường ĐHBK Hà Nội.

Lĩnh vực tinh thể học bắt đầu ra đời ngay sau khi Rơnghen phát hiện ra tia X trong những năm đầu của thế kỉ 20. Sau hơn 100 năm phát triển, tinh thể học đã đóng góp những thành tựu to lớn về khoa học và công nghệ cho nhân loại. Ngày nay, tinh thể học không chỉ đơn thuần tập trung nghiên cứu cấu trúc của kim loại, hợp kim mà đã mở rộng sang các cấu trúc hóa học, sinh học như gen, polime….

Hội nghị này là sự kiện khoa học quan trọng về lĩnh vực tinh thể học tại Việt Nam, được tổ chức định kỳ 3 năm/lần nhằm giới thiệu những kết quả nghiên cứu cấu trúc phân tử, tính chất vật liệu, thành tựu mới, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ và tiến bộ tại các quốc gia Châu Á và toàn thế giới. Năm nay, Hội nghị Asca 2016 do Viện Vật lý Kỹ thuật, Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức, với sự điều hành của GS Masaki Kavano - ĐH Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) và GS Jagadese J. Vittal - ĐH Quốc gia Xin-ga-po – Đồng Chủ tịch Hội nghị, PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội, PGS Phó Thị Nguyệt Hằng - Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật và PGS Dương Ngọc Huyền – Trưởng Bộ môn Quang học và Quang Điện tử, Đồng Trưởng ban tổ chức.


GS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội nghị AsCA 2016

Theo GS Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đánh giá của các chuyên gia quốc tế cho thấy trình độ năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học Châu Á trong lĩnh vực tinh thể học rất tốt. Tuy nhiên, muốn phát triển lĩnh vực nghiên cứu tinh thể học ở Việt Nam cần phải nhấn mạnh vào 3 vấn đề: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản và tiếp xúc với các viện nghiên cứu, trung tâm KH&CN trình độ cao về tinh thể học; trang bị đầy đủ máy móc, phòng thí nghiệm tiên tiến; phải có cơ chế động viên cán bộ làm công tác nghiên cứu ứng dụng kết quả thành tựu trong thực tiễn sản xuất, đời sống. Do đó, Hội nghị Asca năm nay là diễn đàn giao lưu, trao đổi nghiên cứu, cầu nối tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam với các nhà khoa học uy tín của thế giới.

Có trên 400 báo cáo khoa học trình bày tại Hội nghị với các kiến thức cập nhật và chuyên sâu của gần 500 nhà nghiên cứu, khoa học hàng đầu đến từ nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á và thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Trung Quốc, Đài Loan, Úc, Mỹ...). Hội nghị phân thành 20 phiên, tập trung vào các chủ để chính: cấu trúc hóa học, cấu trúc sinh học và kỹ thuật phân tích cấu trúc mới..., trong đó nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao. Ngoài ra, Hội nghị đã mời được các giáo sư hàng đầu thế giới trình bày 11 báo cáo toàn thể; trong đó đáng chú ý là bài trình bày của GS Sumio Iijima – Trường ĐH Meijo (Nhật Bản) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thể học trong nghiên cứu vật liệu nano.

Nhiều sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực tinh thể học được giới thiệu tại Hội Nghị

Một số đề tài đáng chú ý như: xác định cấu trúc bột, tính cấu đơn tinh thể; sử dụng hệ thống CSD và đánh giá cấu trúc, hóa tinh thể học, các protein liên quan đến bệnh tật, kỹ thuật vật rắn kết tinh và không kết tinh, ứng dụng chiếu xạ synchrotron, các tiến bộ trong tinh thể học X-ray và Neutron, tinh thể học cho khoa học trái đất, hành tinh và các kĩ thuật liên quan... thu hút sự quan tâm, trao đổi của nhiều đại biểu tham dự. Nhiều diễn giả khác cũng chia sẻ các kết quả nghiên cứu, xu hướng mới nhất trên thế giới. Một số kết quả đã được thương mại hóa, chuyển giao công nghệ cho các đối tác doanh nghiệp, có giá trị thực tiễn và ứng dụng cao trong cuộc sống.


GS Đinh Văn Phong - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội

Cùng với các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực Châu Á, Trường ĐHBK Hà Nội được đánh giá là một trong những cơ sở uy tín, đào tạo vật lý kỹ thuật và khoa học vật liệu trọng điểm tại Việt Nam, tạo môi trường nghiên cứu tốt cho các nhà khoa học trẻ. Một số nhà khoa học đầu ngành, diễn giả được đào tạo và trưởng thành từ Trường tham gia trình bày các công trình NCKH tại Hội nghị lần này. “Điều này càng khẳng định, tinh thể học là một trong những lĩnh vực được Trường ưu tiên chú trọng phát triển. Đây không chỉ là mối quan tâm của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam mà còn có quy mô toàn cầu trong hiện tại và tương lai, nhằm đóng góp vào sự phát triển KH&CN của Việt Nam và nhân loại” – GS Đinh Văn Phong, Phó Hiệu Trưởng Trường ĐHBK Hà Nội nhấn mạnh.

Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi

Tác giả: TT TT & QHCC

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây